Du học Úc – cảm nhận về Melbourne

Published On 20/06/2014 | By Lona Ngọc Tú | Hành trang du học, Kinh nghiệm du học

Tháng Năm 2013: Australia được xếp hạng là quốc gia phát triển hạnh phúc nhất thế giới. 2011 và 2012: Melbourne liên tục đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới.

Trên đây là một vài thông số trong rất nhiều thông tin tôi thu lượm được sau một năm rưỡi ở Melbourne.  Tôi sẽ không bàn tới tính đúng đắn của những bảng xếp hạng này.  Việc phân hạng, đánh giá thường được thực hiện theo những tiêu chí nhất định và không phải ai cũng đồng ý với những tiêu chí này.  Cũng không có gì đảm bảo rằng việc sống ở một thành phố đáng sống nhất thế giới tại một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới sẽ biến bạn thành người hạnh phúc nhất thế giới.  Trong bài viết này, tôi chỉ chia sẻ một số quan sát cá nhân (từ kinh nghiệm rất hạn chế của mình) về một số vấn đề mà theo tôi đã góp phần tạo nên diện mạo Melbourne hôm nay.

Khoa học cho cuộc sống

Năm 1970, Thái tử Charles tới thăm Melbourne và bơi ở biển Elwood.  Sau đó, ông phát biểu rằng nước biển ở đây giống như nước thải axit.  Lời nhận xét chua ngang axit này đã tạo nên phản ứng dữ dội từ cộng đồng địa phương, trong đó có cả phản đối chính thức từ một vị thị trưởng.  Nhưng một thời gian ngắn sau đó, dựa trên cơ sở những nghiên cứu khoa học về tình trạng ô nhiễm ở Elwood, chính quyền địa phương đã có những chính sách đúng đắn để cải thiện môi trường.  Ngày nay, bãi biển Elwood với không gian thoáng đãng và xanh mướt, những con đường dành riêng cho đi bộ và đi xe đạp, là một trong những nơi thư giãn, tập thể thao ngoài trời ưa thích nhất của Melbourne.

Những người bạn Melbourne tuổi 50 – 60 của tôi đều kể rằng những con sông, nhánh sông gần nơi họ lớn lên (Maribyrnong River, Gardiner Creek) đều ô nhiễm nặng.  Ngày nay, nếu bạn có dịp tới thăm chính những nơi đó, bạn sẽ thấy một thực tế khác hẳn.  Sự đổi thay “kỳ diệu” đó không thể không kể tới sự đóng góp của các nghiên cứu khoa học.

Xem thêm  Những lý do khiến visa du học Úc của bạn bị từ chối

Các bảo tàng khoa học của Melbourne thường xuyên có những trưng bày thú vị về các thành tựu và ứng dụng của khoa học trong cuộc sống.  Sinh viên, học sinh, và trẻ em được miễn vé vào cửa những bảo tàng này.  Nếu có một lần tới thăm, bạn sẽ có dịp cảm nhận khoa học có vai trò thế nào đối với việc tạo dựng đời sống xã hội Melbourne.

Nghệ thuật và cuộc sống

Một cuộc sống hạnh phúc không thể thiếu vắng nghệ thuật – đó là câu nói tôi thường xuyên được nghe ở Melbourne.  Nghệ thuật ở Melbourne có độ thẩm thấu khá cao vào đời sống cộng đồng.  Bạn không cần phải có kiến thức cao siêu, cũng không cần am hiểu nghệ thuật để thưởng thức.  Đơn giản là bạn chỉ cần ngắm nhìn và cảm nhận nó mà thôi.  Giống như những thành phố lớn khác, bạn sẽ gặp nhiều tác phẩm điêu khắc ở các không gian công cộng tại Melbourne.  Có những tác phẩm sẽ làm bạn mỉm cười vì sự hài hước của tác giả (ví dụ tượng một chú bò sữa nằm ngược trên cây).  Các tác phẩm sắp đặt thường được thực hiện tại trung tâm thành phố nhân một sự kiện/dịp nào đó và kéo dài trong một thời gian để nhiều lượt công chúng có cơ hội thưởng thức.  Tranh vẽ đường phố graffiti đã biến nhiều con hẻm tối tăm và chật chội trở thành điểm hút khách du lịch của Melbourne.  Một số triển lãm trong nhà và ngoài trời luôn mở cửa miễn phí của công chúng.  Bạn cũng dễ dàng có cơ hội nghe nhạc tại các địa điểm công cộng mà không tốn xu nào.

Graffiti đã khoác áo mới cho những chiếc thùng rác    

Không gian cộng đồng

So với một vài thành phố khác nơi tôi có dịp sống, Melbourne dường như có không gian chung và cuộc sống cộng đồng (public life) thân thiện và cởi mở nhất.  Bạn sẽ không cảm thấy là “người ngoài” ở đây (trừ khi là bạn cứ nhất định muốn cảm thấy thế).  Mỗi năm một lần, thành phố tổ chức mở cửa hàng trăm ngôi nhà/tòa nhà có ý nghĩa lịch sử, xã hội để công chúng vào xem.  Sự kiện này thu hút sự tham gia đông đảo của cư dân thành phố. Nếu bạn đã từng bị choáng ngợp bởi những công trình lộng lẫy của châu Âu, có thể bạn sẽ hơi thất vọng với kiến trúc Melbourne.  Nhưng những câu chuyện thú vị mà bạn được nghe về những tòa nhà/ngôi nhà ở đây sẽ khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn nhiều lần – giống như cái duyên ngầm của một cô gái vậy.  Các cơ quan chính quyền quan trọng, kể cả Nghị viện và tòa án, đều có ngày mở cửa để công chúng thăm quan.

Xem thêm  Du học Úc – Vì sao nên đi du học ngay lúc này?

Quảng trường trung tâm thành phố (Federation Square) đã từng được bình chọn là một trong hai mươi công trình kiến trúc xấu nhất thế giới.  Nhưng sau mười năm hoạt động, nó đã trở thành trái tim, thành phần không thể thiếu của Melbourne.  Chính quyền thành phố và cư dân Melbourne đã thổi cho quảng trường cái hồn của nó – một tâm hồn đa văn hóa và thật nhiều mầu sắc.  Tôi may mắn được biết đến quảng trường này khi nó mới hai tuổi, tẻ nhạt, và chịu nhiều chỉ trích.  Năm ngoái, chính quyền thành phố tổ chức hàng loạt hoạt động kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười của quảng trường.  Quảng trường đã lớn lên, đầy tự tin, và bây giờ người Melbourne không còn quan tâm đến việc người ngoài chỉ trích gì về quảng trường này nữa.

 Tác phẩm làm từ 10 tấn thân cây để kỷ niệm sinh nhật 10 tuổi của quảng trường trung tâm (Federation Square)

Tôi luôn thấy mình may mắn khi được hưởng thụ thành quả của nhiều thế hệ đã đóng góp trí tuệ, công sức của họ cho Melbourne hôm nay.  Thành phố trưởng thành theo năm tháng, nhưng vẫn luôn mang trong mình nó sự trẻ trung, cởi mở, đa dạng và hấp dẫn.  Và tôi hy vọng sẽ có một ngày thành phố quê hương tôi cũng sẽ như vậy.

Chiều muộn ở Elwood

By Bui Thi Bich Lien

Phd Candidate in Law

Monash University, Melbourne, Australia

Like this Article? Share it!

About The Author

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *